Đảo chính quân sự và lên nắm quyền Muammar_al-Gaddafi

Ngày 1 tháng 9 năm 1969, một nhóm sĩ quan quân đội nhỏ do Gaddafi lãnh đạo tổ chức một cuộc đảo chính không đổ máu chống lại Vua Idris I, khi ông đang ở Kamena Vourla, một khu resort tại Hy Lạp, để điều trị y tế. Cháu của ông Thái tử Sayyid Hasan ar-Rida al-Mahdi as-Sanussi đã bị các sĩ quan quân đội cách mạng chính thức hạ bệ và quản thúc tại gia; họ huỷ bỏ chế độ quân chủ và tuyên bố một nhà nước Cộng hoà Libya Ả Rập mới.[23] Gaddafi, khi ấy mới chỉ 27 tuổi, với bộ quần áo đi đường và kính râm, sau đó tìm cách trở thành "Che Guevara mới của thời đại".[24] Để thực hiện điều này Gaddafi biến Libya thành một thiên đường cho những người chống phương Tây cực đoan, nơi bất kỳ nhóm nào, đều có thể nhận được vũ khí và hỗ trợ tài chính, nếu họ tuyên bố chiến đấu chống lại chủ nghĩa đế quốc.[24] Người Italiatại Libya hầu như đã biến mất sau khi Gaddafi ra lệnh trục xuất họ năm 1970.[25]

Một Hội đồng Chỉ huy Cách mạng được thành lập để cai trị đất nước, với Gaddafi giữ chức chủ tịch. Ông thêm danh hiệu thủ tướng năm 1970, nhưng ngừng giữ chức vụ năm 1972. Không giống như các nhà cách mạng quân sự khác, Gaddafi không tự thăng mình lên hàm tướng ngay khi nắm quyền, mà chấp nhận một nghi lễ thăng chức từ đại uý lên đại tá và vẫn giữ cấp hàm này cho đến ngày nay. Tuy theo kiểu cấp hàm phương Tây một đại tá không thích hợp để cai trị một quốc gia và là Tổng tư lệnh quân đội đất nước, theo lời của Gaddafi xã hội Libya được "cai quản bởi nhân dân", vì thế ông không cần thêm danh hiệu phô trương hay cấp bậc chỉ huy quân đội tối cao.[4]

Chủ nghĩa xã hội Hồi giáo và thuyết Liên Hồi giáo

Gaddafi xây dựng chế độ mới của mình dựa trên sự kết hợp chủ nghĩa quốc gia Ả Rập, các khía cạnh của phúc lợi xã hội, và cái Gaddafi gọi là "dân chủ nhân dân trực tiếp". Ông gọi hệ thống này là "Chủ nghĩa xã hội Hồi giáo", và, tuy ông cho phép tư nhân kiểm soát các công ty nhỏ, chính phủ kiểm soát các công ty lớn. Phúc lợi xã hội, "tự do", và giáo dục được nhấn mạnh. Ông cũng áp dụng một hệ thống đạo đức Hồi giáo, đặt ra ngoài vòng pháp luật rượu và cờ bạc. Như nhân vật cách mạng trước đó trong thế kỷ 20 như Mao Trạch Đông và những lời lẽ trong Mao tuyển của ông, Gaddafi vạch ra triết học chính trị của mình trong cuốn Sách Xanh để tăng cường các ý tưởng của nhà nước xã hội chủ nghĩa Hồi giáo này và xuất bản ba tập trong giai đoạn 1975 và 1979.[cần dẫn nguồn]

Năm 1977, Gaddafi tuyên bố rằng Libya đang thay đổi hình thức chính phủ của mình từ cộng hoà sang một "jamahiriya"—một từ mới sáng chế có nghĩa "nhà nước đại chúng" hay "chính phủ của đại chúng". Trên lý thuyết, Libya trở thành một nhà nước dân chủ trực tiếp được quản lý bởi nhân dân thông qua các hội đồng nhân dân địa phương và các xã. Ở trên đỉnh cơ cấu này là Đại hội Nhân dân, với Gaddafi là tổng thư ký. Tuy nhiên, chỉ sau hai năm, Gaddafi rời bỏ mọi chức vụ trong chính phủ để tương thích với triết học theo chủ nghĩa quân bình mới.[cần dẫn nguồn]

Thực tế, hệ thống chính trị của Libya ít duy tâm hơn. Quyền lực thực sự thuộc một "nhóm cách mạng" gồm Gaddafi và một số cố vấn thân cận. Tuy không giữ chức vụ chính thức nào, nói chung mọi người hiểu rằng Gaddafi nắm quyền gần như tuyệt đối với chính phủ.[cần dẫn nguồn]

Hết lần này tới lần khác, Gaddafi đã đương đầu với sự đối lập trong và ngoài nước bằng bạo lực. Các uỷ ban cách mạng của ông kêu gọi ám sát những người Libya bất đồng đang sống ở nước ngoài vào tháng 4 năm 1980, với các đội ám sát của Libya được gửi ra nước ngoài để giết họ. Ngày 26 tháng 4 năm 1980, Gaddafi đặt ra hạn chót ngày 11 tháng 6 năm 1980 để những người bất đồng quay trở về hay sẽ "trong tay các hội đồng cách mạng".[26] Chín người Libya đã bị giết hại trong thời gian này, năm người trong số đó tại Italia.[cần dẫn nguồn]

Quan hệ nước ngoài

Với Tổng thống Nga Vladimir Putin

Với các nước láng giềng của Libya, Gaddafi đi theo các ý tưởng của Gamal Abdel Nasser về thuyết liên Ả Rập và trở thành người ủng hộ nhiệt thành cho việc thống nhất tất cả các nước Ả Rập dưới một quốc gia Ả Rập. Ông cũng ủng hộ thuyết liên Hồi giáo, ý tưởng về một liên minh lỏng lẻo của mọi quốc gia và nhân dân Hồi giáo. Sau khi Nasser chết ngày 28 tháng 9 năm 1970, Gaddafi đã nỗ lực để trở thành vĩ lãnh đạo ý tưởng của chủ nghĩa quốc gia Ả Rập. Ông tuyên bố "Liên bang các nước Cộng hoà Ả Rập" (Libya, Ai Cập, và Syria) năm 1972, hy vọng tạo lập một nhà nước liên Ả Rập, nhưng ba nước bất đồng về các điều khoản chi tiết của việc sáp nhập. Năm 1974, ông ký một thoả thuận với Habib Bourguiba của Tunisia về một sự sáp nhập giữa hai nước, nhưng nó cũng không thể diễn ra trên thực tế và sự khác biệt mạnh giữa hai nước dẫn tới tình trạng thù địch.

Libya cũng liên quan tới những vụ tranh chấp và tranh cãi lãnh thổ bạo lực với nước Tchad láng giềng về Dải Aouzou, mà Libya chiếm năm 1973. Cuộc tranh cãi này cuối cùng dẫn tới việc Libya xâm lược Chad và một cuộc xung đột chỉ chấm dứt với một lệnh ngừng bắn năm 1987. Cuối cùng cuộc tranh cãi đã được giải quyết một cách hoà bình vào tháng 6 năm 1994 khi Libya rút quân khỏi Tchad theo một phán quyết của Toà án Công lý Quốc tế ra ngày 13 tháng 2 năm 1994.[27]

Gaddafi đã trở thành một người ủng hộ mạnh mẽ cho Tổ chức Giải phóng Palestine, và việc này đã làm xấu đi quan hệ giữa Libya và Ai Cập, khi vào năm 1979 Ai Cập có một thoả thuận hoà bình với Israel. Khi quan hệ Libya-Ai Cập xấu đi, Gaddafi đã tìm kiếm quan hệ gần gũi hơn với Liên Xô. Libya trở thành quốc gia đầu tiên ngoài khối Xô viết nhận được các máy bay chiến đấu siêu âm MiG-25, nhưng quan hệ Liên Xô-Libya vẫn khá xa cách. Gaddafi cũng tìm cách tăng cường ảnh hưởng của Libya, đặc biệt tại các quốc gia có dân cư Hồi giáo, bằng cách kêu gọi một nhà nước Hồi giáo Saharan và ủng hộ các lực lượng chống chính phủ tại châu Phi hạ Sahara.

Điều đáng chú ý trong chính trị của Gaddafi là việc ông ủng hộ các phong trào giải phóng tự xưng, và cả việc ông hỗ trợ cho các phong trào nổi loạn ở Tây Phi, đáng chú ý là Sierra LeoneLiberia, cũng như các nhóm Hồi giáo. Trong thập niên 1970 và 1980, sự giúp đỡ này thỉnh thoảng tự do đến mức thậm chí các nhóm không có thiện cảm nhất cũng có thể nhận được sự giúp đỡ của Libya; cả các nhóm có tư tưởng khác xa so với Gaddafi. Cách tiếp cận của Gaddafi thường có khuynh hướng trái ngược với ý kiến quốc tế. Trong suốt thập niên 1970, chế độ của ông dính líu vào những âm mưu phá hoại và hoạt động khủng bố tại cả các quốc gia Ả Rập và không Ả Rập. Tới giữa thập niên 1980, ông được hầu hết mọi người ở phương Tây coi là người cung cấp tài chính chính cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Theo thông báo, Gaddafi là người cung cấp tài chính chính cho "Phong trào Tháng 9 Đen" gây ra vụ thảm sát Munich tại Olympics mùa hè năm 1972, và bị Hoa Kỳ buộc tội chịu trách nhiệm trực tiếp kiểm soát vụ đánh bom vũ trường Berlin năm 1986 làm thiệt mạng 3 người và làm bị thương hơn 200 người, trong đó có một số nhân viên Mỹ. Ông cũng được cho là đã chi tiền cho "Carlos the Jackal" để bắt cóc và sau đó thả một số bộ trưởng dầu mỏ Ả Rập SaudiIran. Căng thẳng giữa Libya và phương Tây lên tới đỉnh điểm thời chính quyền Ronald Reagan, với mục đích loại bỏ Gaddafi. Chính quyền Reagan coi Libya là một nhà nước hiếu chiến bởi lập trường không thoả hiệp của họ về vấn đề độc lập của người Palestine, sự ủng hộ của họ cho nhà nước Iran cách mạng trong cuộc chiến năm 1980–1988 chống lại Iraq của Saddam Hussein (xem Chiến tranh Iran–Iraq), và việc họ hỗ trợ các "phong trào giải phóng" ở thế giới thứ ba. Chính Reagan đã gọi Gaddafi là "con chó điên của Trung Đông". Tháng 12 năm 1981, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ không cấp các Hộ chiếu Hoa Kỳ cho việc du lịch tới Libya, và vào tháng 3 năm 1982, Hoa Kỳ tuyên bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Libya [28] và xuất khẩu tới Libya các sản phẩm công nghệ hoá dầu của Hoa Kỳ; các quốc gia châu Âu cũng nhanh chóng thực hiện điều này.

Libya cũng từng là một nước ủng hộ Mặt trận Polisario trong cuộc chiến của họ chống lại chủ nghĩa thực dân Tây Ban Nha và sự chiếm đóng quân sự Morocco.

Năm 1984, nhân viên cảnh sát Anh Yvonne Fletcher bị bắn bên ngoài Đại sứ quán Libya tại Luân Đôn khi đang giữ trật tự trong một cuộc biểu tình phản đối Gaddafi. Một loạt đạn súng máy từ bên trong toà nhà được cho là đã giết chết cô, nhưng các nhà ngoại giao Libya viện dẫn quyền miễn trừ ngoại giao của mình và bị trục xuất. Vụ việc dẫn tới sự tan vỡ quan hệ ngoại giao giữa Anh Quốc và Libya trong hơn một thập kỷ.[cần dẫn nguồn]

Hoa Kỳ đã tấn công các tàu tuần tra của Libya từ tháng 1 tới tháng 3 năm 1986 vì những xung đột về quyền tiếp cận Vịnh Sidra, mà Libya tuyên bố là lãnh hải. Ngày 15 tháng 4 năm 1986, Ronald Reagan ra lệnh những cuộc ném bom lớn, gọi là Chiến dịch El Dorado Canyon, vào TripoliBenghazi giết hại 45 binh sĩ và nhân viên chính phủ Libya và 15 dân thường.[4] Vụ tấn công này diễn ra sau khi Hoa Kỳ chặn được các bức điện tín từ đại sứ quán Libya tại Đông Berlin cho thấy chính phủ Libya dính líu vào một vụ nổ bom ngày 5 tháng 4 tại La Belle discothèque Tây Berlin, một hộp đêm thường có nhiều nhân viên Mỹ lui tới. Trong số những người bị thương vong trong vụ tấn công ngày 15 tháng 4 của Hoa Kỳ có cả con gái nuôi của Gaddafi, Hannah. Libya trả đũa bằng việc bắn hai tên lửa Scud vào trạm hoa tiêu của Lực lượng phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ trên hòn đảo Lampedusa của Italia. Các tên lửa rơi xuống biển và không gây thiệt hại.[cần dẫn nguồn]

Cuối năm 1987, một chiếc tàu buôn, MV Eksund, bị chặn lại. Một số lượng lớn vũ khí và chất nổ đã được phát hiện trên boong tàu với dự định cung cấp cho IRA. Tình báo Anh tin rằng đây không phải là lần đầu tiên và các tàu chở vũ khí của Libya đã từng tới được với IRA. (Xem Nhập khẩu vũ khí của IRA.)

Trong hầu hết thập niên 1990, Libya phải chịu cấm vận kinh tế và cô lập ngoại giao, kết quả của việc từ chối cho phép dẫn độ sang Hoa Kỳ hay Anh Quốc hai người Libya bị tình nghi đặt bom trên chuyến bay 103 của Pan Am, đã nổ tung trên bầu trời Lockerbie, Scotland. Với sự trung gian của tổng thống Nam Phi Nelson Mandela – người đã có một cuộc viếng thăm quan trọng tới Gaddafi năm 1997 – và Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan, Gaddafi vào năm 1999 đã đồng ý một thoả thuận dẫn tới việc giao những kẻ bị nghi ngờ tới Hà Lan để xét xử theo luật Scotland.:[29] Từ thời điểm đó các lệnh cấm vẫn của Liên hiệp quốc được dỡ bỏ, nhưng lệnh cấm vận của Hoa Kỳ vẫn có hiệu lực.

Một âm mưu được cho là của cơ quan tình báo mật của Anh Quốc nhằm ám sát Đại tá Gaddafi, khi những người nổi loạn tấn công đoàn xe của Gaddafi gần thành phố Sirte vào tháng 2 năm 1996, được cựu ngoại trưởng Robin Cook miêu tả là "hoàn toàn tưởng tượng", dù FCO sau này xác nhận: "Chúng tôi chưa bao giờ bác bỏ việc chúng tôi đã biết về các âm mưu chống lại Gaddafi."[30]

Tháng 8 năm 2003, hai năm sau khi Abdelbaset Ali Mohmed Al Megrahi bị kết án, Libya đã viết thư tới Liên hiệp quốc chính thức nhận 'trách nhiệm về những hành động của những quan chức của mình' trong vụ đánh bom Lockerbie và đồng ý trả khoản bồi thường lên tới 2.7 tỷ dollar - hay lên tới 10 triệu dollar mỗi người 0 cho các gia đình 270 nạn nhân. Cùng tháng ấy, Anh Quốc và Bulgaria cùng ủng hộ một nghị quyết của Liên hiệp quốc bãi bỏ các lệnh trừng phạt treo. (Sự tham gia của Bulgaria vào việc này dẫn tới những nghi ngờ rằng nó có liên hệ với Phiên toà HIV tại Libya trong đó 5 y tá người Bulgaria làm việc tại bệnh viện Benghazi, bị buộc tội làm nhiếm HIV cho 426 trẻ em Libya.)[31] Bốn mươi phần trăm khảon bồi thường sau đó được trả cho mỗi gia đình, và 40% được trả tiếp khi các biện pháp cấm vận của Hoa Kỳ được dỡ bỏ. Vì Hoa Kỳ từ chối loại Libya ra khỏi danh sách Nhà nước hỗ trợ Khủng bố, Libya giữ lại 20% ($540 triệu) trong tổng số $2.7 tỷ tiền bồi thường. Tháng 10 năm 2008 Libya trả $1.5 tỷ cho một quỹ được sử dụng để bồi thường cho các gia đình của

  1. Các nạn nhân vụ đánh bom Lockerbie với 20% còn lại;
  2. Các nạn nhân người Mỹ trong vụ đánh bom vũ trường Berlin năm 1986;
  3. Các nạn nhân người Mỹ của vụ đánh bom Chuyến bay 772 UTA năm 1989; và,
  4. Các nạn nhân người Libya của vụ Hoa Kỳ ném bom Tripoli và Benghazi năm 1986.

Vì thế, Tổng thống Bush đã ký một nghị định hành chính khôi phục sự miễn trừ cho chính phủ Libya với các vụ kiện liên quan tới khủng bố và bãi bỏ mọi trường hợp kiện tụng đòi bồi thường đang còn treo ở Hoa Kỳ, Nhà Trắng nói.[32]

Ngày 28 tháng 6 năm 2007, Megrahi được trao quyền với một phiên phúc thẩm thứ hai chống lại việc kết án vụ đánh bom Lockerbie.[33] Một tháng sau, các bác sĩ người Bulgari được thả khỏi nhà tù ở Libya. Họ trở về Bulgaria và được tổng thống nước này, Georgi Parvanov, ân xá.

Việc Gaddafi chào mừng sự trở lại năm 2009 của kẻ đánh bom Lockerbie Megrahi, người đã được thả khỏi nhà tù vì các lý do nhân đạo, đã dẫn tới sự chỉ trích từ các lãnh đạo phương Tây[34][35][36] và đã phá vỡ chuyến thăm đầu tiên của ông tới Hoa Kỳ để tham dự một Kỳ họp của Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Gaddafi thường sống trong một chiếc lều khi đi lại,[37] nhưng các kế hoạch dựng một chiếc lều ở Công viên Trung tâm và trên tài sản của chính phủ Libya tại Englewood, New Jersey trong thời gian Gaddafi ở lại tại Liên hiệp quốc bị cả cộng đồng lãnh đạo phản đối và sau đó Gaddafi đã huỷ bỏ.[38][39][40] Cuối cùng chiếc lều của ông được đặt ở một khu bất động sản thuộc sở hữu của Donald Trump tại Bedford.[41]

Ngày 23 tháng 9 năm 2009 là lần đầu tiên Gaddafi xuất hiện trước Đại hội đồng Liên hiệp quốcnơi ông gặp gỡ các lãnh đạo thế giới tại một cuộc họp thường niên ở New York. Tuy vị lãnh đạo Libya yêu cầu đại diện cho Liên minh châu Phi, sử dụng cơ hội này để lên án cơ cấu của Liên hiệp quốc nói rằng cơ quan đại diện 15 thành viên là "chủ nghĩa phong kiến an ninh" với những nước đã có một ghế thường trực.[42] Sự xuất hiện của nhà lãnh đạo Libya gây ra cả những cuộc biểu tình ủng hộ và phản đối Gaddafi.[43]

Mở cửa

"Trong bốn thập kỷ làm 'Lãnh đạo Anh em' của Libya, Đại tá Muammar Gaddafi đã chuyển từ một mẫu hình từ nhân vật cách mạng sang một chính khách kỳ cục với quan hệ hoàn toàn tốt đẹp với phương Tây."

— David Blair, biên tập mảng ngoại giao của tờ The Daily Telegraph [24]

Gaddafi có lẽ cũng đang cố gắng cải thiện hình ảnh ở phương Tây. Hai năm trước các vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, Libya đã cam kết chiến đấu chống Al-Qaeda và đề nghị công khai chương trình vũ khí của mình cho sự giám sát quốc tế. Chính quyền Clinton không theo đuổi đề nghị này ở thời điểm đó bởi chương trình vũ khí của Libya khi ấy không bị coi là một mối đe doạ, và việc bàn giao các nghi phạm vụ đánh bom Lockerbie là ưu tiên hàng đầu. Sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9, Gaddafi đã thực hiện một trong những lời tố cáo đầu tiên, và mạnh mẽ nhất với những kẻ đánh bom Al-Qaeda so với bất kỳ một lãnh đạo Hồi giáo nào khác. Gaddafi cũng đã xuất hiện trên kênh ABC cho một cuộc phỏng vấn mở với George Stephanopoulos, một động thái từng được cho là không thể diễn ra chỉ chưa tới một thập kỷ trước.

Sau khi các lực lượng Hoa Kỳ lật đổ Saddam Hussein năm 2003, Gaddafi thông báo rằng quốc gia của ông có một chương trình vũ khí huỷ diệt hàng loạt, nhưng muốn cho phép các thanh sát viên quốc tế giám sát và tiêu huỷ chúng. Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush và những người khác ủng hộ cuộc Chiến tranh Iraq coi tuyên bố của Gaddafi là một hậu quả trực tiếp của cuộc Chiến tranh Iraq khi nói rằng Gaddafi hành động như vậy bởi lo ngại cho tương lai chế độ của ông nếu ông tiếp tục che đậy các chương trình vũ khí của mình. Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi, một người ủng hộ cuộc Chiến tranh Iraq, được trích dẫn đã nói rằng Gaddafi đã đích thân gọi điện thoại cho ông, chấp nhận như vậy. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về chính sách cho rằng thông báo của Gaddafi chỉ đơn giản là một sự tiếp nối của những nỗ lực được ưu tiên của ông nhằm bình thường hoá quan hệ với phương Tây và để dỡ bỏ các lệnh cấm vận. Để ủng hộ điều này, họ chỉ ra thực tế rằng Libya đã có những đề xuất thương tự từ bốn năm trước khi nó cuối cùng được chấp nhận.[44][45] Các thanh sát viên quốc tế đã tìm thấy nhiều tấn vũ khí hoá học tại Libya, cũng như một chương trình vũ khí hạt nhân đang hoạt động. Khi quá trình phá huỷ các loại vũ khí này đang diễn ra, Libya đã cải thiện sự hợp tác của mình với các cơ quan thanh sát quốc tế tới mức, vào tháng 3 năm 2006, Pháp đã có thể ký một thoả thuận với Libya để phát triển một chương trình năng lượng hạt nhân lớn.

Al-Gaddafi và tổng thống Brasil Luíz Inácio Lula da Silva tại một cuộc hội nghị ở Nigeria

Tháng 3 năm 2004, Thủ tướng Anh Tony Blair trở thành một trong những lãnh đạo phương Tây đầu tiên trong nhiều thập kỷ tới thăm Libya và công khai gặp gỡ Gaddafi. Blair ca ngợi các hành động gần đó của Gaddafi, và nói rằng ông hy vọng Libya khi ấy đã có thể là một đồng minh mạnh trong Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trên toàn cầu. Trước cuộc viếng thăm của Blair, Đại sứ Anh tại Tripoli, Anthony Layden, đã giản thích sự thay đổi chính trị của Libya và Gaddafi như sau:

"35 năm nhà nước kiểm soát toàn bộ nền kinh tế đã để lại một tình trạng theo đó họ không thể tạo ra đủ hoạt động kinh tế để cung cấp việc làm cho thanh niên, những người đang tốt nghiệp sau khi trải qua các cấp bậc giáo dục. Tôi nghĩ tình trạng này là trung tâm dẫn tới quyết định của Đại tá Gaddafi rằng ông cần một sự thay đổi căn bản về định hướng."[46]

Ngày 15 tháng 5 năm 2006, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ thông báo rằng họ sẽ tái lập hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Libya, một khi Gaddafi tuyên bố rằng ông ta đang từ bỏ chương trình vũ khí huỷ diệt hàng loạt của Libya. Bộ ngoại giao cũng nói rằng Libya cần được loại ra khỏi danh sách các nhà nước hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố.[47] Tuy nhiên, ngày 31 tháng 8 năm 2006, Gaddafi đã công khai kêu gọi những người ủng hộ mình "giết những kẻ thù" những người đang đòi hỏi thay đổi chính trị.[48]

Tháng 7 năm 2007, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tới thăm Libya và ký một số thoả thuận song phương và đa phương (EU) với Gaddafi.[49]

Ngày 4 tháng 3 năm 2008 Gaddafi thông báo ý định giải tán cơ cấu hành chính đang có trong nước và chi trực tiếp khoản thu từ dầu mỏ cho người dân. Kế hoạch này gồm việc xoá bỏ tất cả các bộ, ngoại trừ bộ quốc phòng, an ninh nội địa, và ngoại giao, và các sở thực hiện các dự án chiến lược.[50]

Tháng 9 năm 2008, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice đã tới thăm Libya và gặp gỡ với Gaddafi như một phần của chuyến công du Bắc Phi. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Libya của một ngoại trưởng Mỹ từ năm 1953.[51]

Tháng 1 năm 2009, Gaddafi đã có một bài xã luận trên tờ New York Times, nói rằng ông ủng hộ giải pháp một nhà nước cho các cuộc xung đột Israel và Palestine và mong đợi một tương lai duy nhất về sự đồng văn hoá và tôn trọng lẫn nhau.[52]

Hợp tác với Ý

Ngày 30 tháng 8 năm 2008, Gaddafi và Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đã ký một hiệp ước hợp tác lịch sử tại Benghazi.[53][54][55] Theo các điều khoản của nó, Ý sẽ trả 5 tỷ dollar cho Libya làm khoản tiền bồi thường cho sự chiếm đóng quân sự trước đó của họ. Đổi lại, Libya sẽ thực hiện các biện pháp chống nhập cư trái phép từ các bờ biển nước mình và tăng cường các khoản đầu tư vào các công ty Ý.[54][56] Hiệp ước được phía Italia phê chuẩn ngày 6 tháng 2 năm 2009,[53] và bởi phía Libya ngày 2 tháng 3, trong một chuyến thăm tới Tripoli của Berlusconi.[54][57] Trong tháng 6 Gaddafi đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Roma, và gặp thủ tướng Berlusconi, Tổng thống Giorgio NapolitanoChủ tịch Thượng viện Renato Schifani; Chủ tịch Hạ viện Gianfranco Fini đã huỷ bỏ buổi gặp bởi sự chậm trễ của Gaddafi.[54] Đảng Dân chủItaly of Values phản đối cuộc viếng thăm,[58][59] và nhiều cuộc tuần hành đã diễn ra trên khắp Italia bởi các tổ chức nhân quyềnĐảng Cấp tiến.[60] Gaddafi cũng tham gia vào cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 35 của G8 tại L'Aquila vào tháng 7 với tư cách Chủ tịch của Liên minh châu Phi.[54] Trong cuộc họp một cú bắt tay giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Muammar Gaddafi đã diễn ra (lần đầu tiên lãnh đạo Libya được chào đón bởi một Tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ),[61] sau đó tại bữa ăn tối chính thức của hộ nghị thượng đỉnh do Tổng thống Giorgio Napolitano mời các lãnh đạo Hoa Kỳ và Libya đã làm đảo lộn buổi lễ và ngồi bên cạnh Thủ tướng Ý và cũng là chủ nhà của G8, Silvio Berlusconi. (Theo nghi lễ, Gaddafi phải ngồi sau Berlusconi ba ghế).[62][63][64][65][66]

Thuyết liên châu Phi

Gaddafi cũng đã xuất hiện như một lãnh đạo được biết tới ở châu Phi. Là một trong những người có thời gian cầm quyền lâu nhất châu lục ở thời hậu thuộc địa, nhà lãnh đạo Libya đã có danh tiếng trong nhiều người châu Phi như một chính khách có kinh nghiệm và khôn ngoan từng ở tuyến đầu trong nhiều cuộc đấu tranh trong nhiều năm. Gaddafi đã được Nelson Mandela và nhiều người khác ca ngoại, và luôn là một nhân vật nổi bật trong nhiều tổ chức liên châu Phi, như Tổ chức Thống nhất châu Phi (hiện đã được thay thế bởi Liên minh châu Phi). Tháng 2 năm 2009, ngay khi ông được bầu làm chủ tịch Liên minh châu Phi tại Ethiopia, Gaddafi đã phát biểu trước hội đồng các lãnh đạo châu Phi: "Tôi sẽ tiếp tục nhấn mạnh rằng các quốc gia có chủ quyền của chúng ta sẽ làm việc để thành lập Hợp chúng quốc châu Phi."[67]Gaddafi cũng được nhiều người châu Phi coi là một nhà nhân đạo, đã rót những khoản tiền lớn vào các quốc gia châu Phi hạ Sahara. Một số lượng lớn người châu Phi đã tới Libya để kiếm việc làm tại đây.

Những quan điểm của ông về sự thống nhất chính trị và quân sự của châu Phi đã nhận được sự hồi đáp khá thờ ơ từ các chính phủ châu Phi khác. Ngày 29 tháng 8 năm 2008, Gaddafi đã tổ chức một buổi lễ lớn tại Benghazi trong đó ông tự trao cho mình danh hiệu "Vua của mọi nhà Vua của châu Phi" với hơn 200 vị vua và nhà cai trị truyền thống của châu Phi như một phần của một nỗ lực thúc đẩy các lãnh đạo nhà nước và chính phủ châu Phi cùng gia nhập với Gaddafi hướng tới một sự liên kết chính trị lớn hơn;[68] tiếp theo sự kiện này ngày 1 tháng 2 năm 2009 là lễ đăng quang tại Addis Ababa, Ethiopia diễn ra đồng thời với Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 53 của Liên minh châu Phi, tại đó ông được bầu làm lãnh đạo của Liên minh châu Phi trong năm.[69] Tuy nhiên, cuộc họp tháng 1 năm 2009 của ông với các vị vua châu Phi đã bị chính phủ Uganda huỷ bỏ (Uganda là nước đăng cai), bởi việc mời các vị vua cai trị truyền thống tới đàm phán các vấn đề chính trị là trái với hiến pháp hiện tại của Uganda, và theo người phát ngôn của bộ ngoại giao Uganda James Mugume, sẽ dẫn tới tình trạng bất ổn.[70]

Danh hiệu "Vua của các ông Vua" đã được Gaddafi lặp lại tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập năm 2009, tại đó ông tuyên bố mình là Vua của những ông Vua, "lãnh đạo của các lãnh đạo Ả Rập" và "lãnh tụ của người Hồi giáo" trong bài chỉ trích Vua Abdullah của Ả Rập Saudi trước khi ra khỏi hội nghị.[71]

Mặc dù những tuyên bố của ông về lo ngại với nguồn gốc châu Phi của mình, Gaddafi cũng thường thể hiện sự công khai khinh miệt với một số người châu Phi sống tại Libya, người Berbers, và vớingôn ngữ của họ, cho rằng sự tồn tại của người Berbers ở Bắc Phi là một truyền thuyết do những kẻ thực dân bịa ra. Ông đã thông qua các biện pháp ngăn cấp việc sử dụng tiếng Berber, và thường lên án ngôn ngữ này trong các bài phát biểu chính thức, với những lời như: "Nếu mẹ bạn trao cho bạn ngôn ngữ này, bà đã nuôi dưỡng bạn với nguồn sữa của kẻ thực dân, bà đã nuôi nấng bạn với thuốc độc của chúng" (1985).[72]

NATO của phương Nam

Tháng 9 năm 2009, tại một cuộc họp thượng đỉnh Nam Mỹ-Châu Phi tại Isla MargaritaVenezuela, Đại tá Gaddafi cùng với tổng thống nước chủ nhà Hugo Chávez, kêu gọi một mặt trận "chống đế quốc" trên khắp châu Phi và Mỹ Latin. Gaddafi đề nghị thành lập một Tổ chức Hiệp ước Nam Đại Tây Dương đối đầu với NATO, nói: "Các cường quốc thế giới muốn tiếp tục giữ quyền lực của họ. Bây giờ chúng ta phải chiến đấu để xây dựng quyền lực của riêng chúng ta."[73]

Bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc

Ngày 23 tháng 9 năm 2009, Đại tá Gaddafi đã tham dự kỳ họp lần thứ 64 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New York, chuyến thăm đầu tiên của ông tới Hoa Kỳ, một phần bởi một nhà ngoại giao Libya, Ali Treki, vừa trở thành chủ tịch Đại hội đồng nhiệm kỳ 2009-10.[74] Gaddafi đã phát biểu trong 1 giờ và 36 phút.[75]

Một bản dịch bài phát biểu của Jamahiriya News Agency (JANA) cơ quan thông tin chính thức của Libya, có ở đây.[76]

Gaddafi đã ca ngợi lời mở đầu của Hiến chương Liên hiệp quốc, nhưng lên án nhiều đoạn trong phần còn lại của Hiến chương; và chỉ trích Liên hiệp quốc vì đã không thể ngăn chặn 65 cuộc chiến, và mời Đại hội đồng điều tra các cuộc chiến tranh không được Hội đồng Bảo an cho phép, và những người chịu trách nhiệm phải được đưa ra trước Toà án Tội phạm Quốc tế.

Sau bài phát biểu của Đại tá Gaddafi, trong đó ông chỉ trích Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (UNSC) gọi nó là "Hội đồng Khủng bố",[77] Gaddafi đã không thể tham dự một cuộc họp đặc biệt của các lãnh đạo nhà nước Hội đồng Bảo an ngày 24 tháng 9 năm 2009, khi một lời kêu gọi cho một nghị quyết giảm số lượng vũ khí hạt nhân được hoàn toàn tán thành.[78]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Muammar_al-Gaddafi http://www.news.com.au/world/libyan-fighters-captu... http://www.sbs.com.au/news/article/1077927/Brown-f... http://www.smh.com.au/world/when-in-rome-gaddafi-w... http://www.swissinfo.ch/eng/archive.html?siteSect=... http://worldradio.ch/wrs/news/wrsnews/merz-hints-a... http://www.afriquejet.com/news/africa-news/gaddafi... http://allafrica.com/stories/201107210928.html http://www.allbusiness.com/personal-finance/invest... http://www.bbcnewsupdate.com/african-union-rejects... http://ionarts.blogspot.com/2006/09/gaddafi-failur...